Tôi khởi nghiệp - Câu chuyện thành công CEO Tạ Minh Tuấn - Ta Minh Tuan - Blog

doanhnhansite.blogspot.com - Cẩm nang kinh doanh, tin tức khởi nghiệp

Hot

Post Top Ad

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Tôi khởi nghiệp - Câu chuyện thành công CEO Tạ Minh Tuấn

Khi còn nhỏ tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà kinh doanh. Lớn lên, tôi vẫn nghĩ mình đi theo con đường kỹ thuật, theo đuổi giấc mơ trở thành "nhà bác học" như thuở bé. Nhưng bây giờ tôi lại theo đuổi khởi nghiệp...

Thất bại và thành công
Tôi học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nên giờ đây, khi tôi theo đuổi khởi nghiệp, nhiều người bất ngờ và hỏi tại sao có ngã rẽ này? Đó là vì tôi hay đọc những cuốn sách khởi nghiệp, về tấm gương của những doanh nhân đã đóng góp cho sự phát triển của thế giới này, và nó đã thổi vào tôi niềm đam mê cháy bỏng làm kinh doanh, cho dù là bất cứ lĩnh vực gì.


Khởi nghiệp đang là xu thế hiện nay, nhưng nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu đúng cũng như chưa biết được cần có những gì và bắt đầu như thế nào để khởi nghiệp thành công.
Tôi muốn cho mình một cơ hội, để ít nhất một lần trong đời được thỏa thích vẫy vùng, được thử sức ở ngoài vùng an toàn, và được tung bay bằng đôi cánh tự do dưới bầu trời xanh rộng lớn.

Tôi bắt đầu khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm thứ 3, là đồng sáng lập một doanh nghiệp về tiếp thị kỹ thuật số. Vì là lần đầu khởi nghiệp, mục tiêu thử sức và học hỏi là chính, nên tôi chưa đặt nặng chuyện mình làm cái gì, cứ thấy có cơ hội thì làm. Lúc ấy tiếp thị truyền thống ngày càng bộc lộ những điểm yếu của nó, một trong số đó là khó có khả năng đo lường chính xác hiệu quả. Trong khi tiếp thị kỹ thuật số giải quyết được những vấn đề này. Thế nhưng dự án này thất bại.

Tuy vậy, cái được lớn nhất của tôi là đã trải qua và có kinh nghiệm trong nhiều giai đoạn khác nhau của vòng đời một công ty khởi nghiệp: từ khi có ý tưởng đến lúc huy động vốn, ra sản phẩm, bán ra thị trường và điều chỉnh, chuẩn hóa mô hình dần. Đó vẫn là một trải nghiệm vô giá.

Sau thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên, tôi đã xây dựng mô hình bác sĩ gia đình tư nhân đầu tiên của VN với tên gọi HELP International. Đó là khi cha tôi mắc bệnh ung thư. Lúc ấy tôi đã nghĩ nhiều về sức khỏe, về y tế. Tôi nhận ra rằng bệnh tật khó tránh khỏi, nhưng hoàn toàn có thể đề phòng và theo dõi liên tục để hạn chế nguy cơ ở mức cao nhất. Hằng đêm tôi trăn trở: “Liệu mình có thể làm gì để giúp những người cũng mắc bệnh giống ba? Và tôi đã xây dựng mô hình HELP International (bác sĩ riêng - y tế tại nhà), để mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe, kèm mức chi phí hợp lý nhất, vừa phòng bệnh, vừa giảm chi phí điều trị bệnh về lâu dài.

Sau đó tôi tiếp tục sáng lập tổ chức đầu tiên làm về đào tạo khởi nghiệp tại VN là Học viện YUP Education. Tôi cũng là người điều hành một doanh nghiệp dệt may với 3 nhà máy xuất khẩu đi khắp thế giới. Trong danh mục đầu tư của tôi còn có nhà hàng chay Ấn Tâm ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Còn có nhiều doanh nghiệp khác tôi tham gia sáng lập, đầu tư hoặc điều hành như đồng sáng lập IDEE Corporation...

Song, tôi chưa từng có suy nghĩ là mình bằng lòng, hài lòng, hay đánh giá dự án nào là ưng ý nhất. Có lẽ bản thân tôi là người cầu toàn, và luôn suy nghĩ còn nhiều thứ để làm. Với tôi, dự án ưng ý nhất luôn nằm ở thì tương lai...


Năm 2017, khởi nghiệp sẽ không còn là phong trào mà trở thành tâm điểm của người trẻ, bởi chưa bao giờ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ như bây giờ...

Tạ Minh Tuấn (28 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) là cựu sinh viên ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuấn là người sáng lập và điều hành các mô hình khởi nghiệp như: HELP International, YUP Institute, IDEE Corporation, JCI Central Saigon Chapter... Tuấn hai lần liên tiếp được vinh danh trong danh sách Gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất VN và châu Á năm 2015 và 2016 của Forbes. Xuân Phương

Phương châm, triết lý, kim chỉ nam của tôi trong khởi nghiệp chính là làm cho VN trở thành một nơi đáng sống hơn. Vì vậy cho dù tôi khởi nghiệp, kinh doanh ở bất cứ ngành nghề nào, làm y tế để chăm sóc thể lực cho người VN, làm giáo dục để phát triển trí lực cho dân mình, hay làm nhà hàng chay để góp phần rèn tâm lực, cũng đều hướng đến tôn chỉ đó. Khởi nghiệp chính là đóng góp tạo ra giá trị cho xã hội, là giúp giải quyết những vấn đề của xã hội. Doanh nhân là người phụng sự cộng đồng, kiến tạo nên một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Bắt tay vào hành động ngay
Tôi tham gia nhiều khóa dạy khởi nghiệp dành cho mọi người, nhất là giới trẻ. Phần lớn trong những khóa dạy ấy, học viên hay hỏi: “Trải qua nhiều lần khởi nghiệp như thế, cũng đã vấp phải những khó khăn, thất bại, vậy làm thế nào để vượt qua?”. Nói ra thì nhiều người không tin, nhưng quả thật, mỗi lần gặp khó khăn, giải pháp của tôi là... đi ngủ.

Nói một cách ví von là trời đang đêm, có thức chong đèn bắt trời sáng cũng không được, lại mệt sức, chi bằng đi ngủ nạp năng lượng, chờ trời sáng “chiến đấu” tiếp. Với tôi thành công cần phải đúng thời điểm. Người giỏi không phải chỉ có năng lực mà còn phải xuất hiện đúng lúc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là buông xuôi, không làm gì cả. Tôi có thói quen đi ngủ để giải tỏa stress, sau đó lại bật dậy, mắt mở to và tiếp tục “chiến đấu”, vì trước khi ngủ tôi cố tình "cài đặt" bài toán ấy vào tiềm thức của mình, nên khi tỉnh dậy sẽ có nhiều giải pháp hay.


Theo các chuyên gia, người trẻ có thể khởi nghiệp ở bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, quan trọng là mô hình khởi nghiệp phải đáp ứng những nhu cầu thiết thực của đời sống.

Tôi nghĩ rằng phong trào khởi nghiệp ở VN đang dần dần có chiều sâu hơn. Đó là tín hiệu mừng. Trước đây nhiều người bạn có chia sẻ với tôi rằng họ lo lắng khi cảm nhận phong trào khởi nghiệp ở VN chỉ có bề nổi mà không có chiều sâu. Lúc đó cảm nhận của tôi là tương đối bình thản, tin tưởng và có chia sẻ lại là: Lúc nào sự phát triển cũng phải qua giai đoạn chiều rộng để tiến tới chiều sâu. Phải có số lượng để từ đó đạt được chất lượng. Khi thành phong trào rồi thì từ đó sẽ có những khởi nghiệp rất thực chất ra đời, tạo kiểu mẫu và truyền cảm hứng cho các khởi nghiệp khác. Lúc ấy khởi nghiệp không còn là phong trào nữa mà sẽ trở thành "hệ sinh thái".

Tuy nhiên, khởi nghiệp ở VN cần có sự chính trực, cần có những công ty làm ra sản phẩm thật, khách hàng thật, doanh thu thật, tạo ra giá trị thật cho xã hội để xây dựng và bảo vệ niềm tin về thị trường khởi nghiệp VN. Chỉ cần một scandal giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, vì lý do thiếu chính trực của doanh nghiệp, thì nhà đầu tư sẽ đánh giá xấu về môi trường khởi nghiệp VN. Điều đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này.

Tôi muốn chia sẻ với những bạn trẻ đã và đang nung nấu ý định khởi nghiệp, là ngay từ khi khởi nghiệp, để có thể chạm tới thành công, cần xác định mục tiêu của mình. Giả sử mục tiêu là giải quyết một nhu cầu nào đó thì chìa khóa để tìm ra nhu cầu là tìm thấy và lấp đầy những khoảng trống đang tồn tại. Nếu người xung quanh nghĩ rằng mục tiêu của bạn thật điên rồ, thì rất có thể bạn đang đi trên con đường đúng. Hãy dũng cảm lên và bắt tay vào hành động ngay.

Nguồn: thanhnien.vn/gioi-tre/toi-khoi-nghiep-781700.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Top Ad