Đây là chuyên đề lần 10 trong chuỗi “Hành trang cuộc đời” do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Các diễn giả là bà Lê Diệp Kiều Trang (Trung tâm phát triển và khởi nghiệp Legatum của Học viện MIT, Hoa Kỳ), ông Phạm Anh Khoa (CEO, Học viện Yola), ông Nhan Thế Luân (CEO, Nhaccuatui), ông Trần Ngọc Thái Sơn (CEO, Tiki), ông Tạ Minh Tuấn (CEO, Help). Chương trình do Học viện Yola tài trợ.
Ý tưởng đã “chạy” được đánh giá cao
Trong năm ý tưởng khởi nghiệp của bạn trẻ được chọn lên trình bày trước các diễn giả thì kế hoạch kinh doanh quần áo, phụ kiện dành cho trẻ em (được nhập khẩu) của cô SV Trường CĐ Kinh tế đối ngoại Tống Thị Quỳnh được đánh giá cao. Trên thực tế, Quỳnh đã hiện thực hóa ý tưởng này được hơn hai tháng thông qua trang web bán hàng riêng.
Ngoài ra, ý tưởng xây dựng trại trẻ mồ côi để chăm sóc và đào tạo họ thành những người có ích cho xã hội của bạn Võ Thị Tố Thanh (SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cũng tạo được sự quan tâm và đồng tình của các diễn giả. “Cốt lõi của ý tưởng này xuất phát từ tấm lòng với xã hội chứ không phải là lợi nhuận” - bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.
Một trong các nội dung bạn trẻ quan tâm khi khởi nghiệp là vốn và điều này được các diễn giả cùng nhau gỡ rối.
Bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng có hai kiểu nhà đầu tư: nhà đầu tư ngay từ khi doanh nghiệp còn ở giai đoạn “trứng nước” có thể là người thân, bạn bè hoặc những người đã thành công đi trước tái đầu tư trở lại; và quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng điều bà băn khoăn là không phải làm sao kiếm được tiền, mà là sẽ sống với người “rót” số tiền đó như thế nào. Bà ví điều này như “đời sống hôn nhân” và có ảnh hưởng quan trọng đến thành bại của doanh nghiệp. Cho nên theo bà, khi tìm nhà đầu tư không phải tìm người có tiền mà là tìm người có tiền hợp với mình nhất.
Trả lời thắc mắc của bạn Trần Ngọc Hải (Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist TP.HCM) liệu có nên vay vốn để khởi nghiệp, bà Trang cho rằng đây là quyết định hết sức liều lĩnh. Bà chia sẻ trong khởi nghiệp, khả năng thất bại rất cao và cũng là chuyện hết sức bình thường. “Chúng ta chưa biết khả năng mình thế nào, sẽ làm được đến đâu thì không nên mạo hiểm cầm cố tài sản vay vốn để khởi nghiệp. Hãy kiên nhẫn trong một vài năm để hoàn chỉnh hơn kế hoạch kinh doanh, từ đó kêu gọi nhà đầu tư, trình phương án để có được vốn” - bà khuyên.
Tuy nhiên, ông Tạ Minh Tuấn lại có góc nhìn khác so với bà Trang. Ông cho rằng đã chấp nhận kinh doanh là phải “liều”. Ông chỉ ra ưu và nhược điểm của từng hình thức: “Nếu vay vốn sẽ trả lãi vay, còn huy động đầu tư thì sau này thu vào bao nhiêu đều phải trả cổ tức cho nhà đầu tư. Vậy, cần phải cân nhắc xem mình sẽ trả lãi vay một lần hay trả cổ tức nhiều lần”. Ông gợi ý khi kinh doanh nên kêu gọi mọi người để cùng “liều” với mình.
Ông Tuấn mang đến góc nhìn mới mẻ từ câu chuyện: “Một anh điều hành một doanh nghiệp không hiệu quả sau ba tháng thì số tiền 100 triệu đồng được đầu tư vào bốc hơi đi hết. Vậy 100 triệu đó đã đi đâu? Câu trả lời là anh ta đang học một khóa học về khởi nghiệp có giá 100 triệu đồng. Coi như đó là... phí ngu của mình mà không được ai chia sẻ”. Các bạn trẻ cười ồ.
Con người là số 1
Tất cả khách mời đều đồng ý rằng trong khởi nghiệp, con người là yếu tố quan trọng hàng đầu chứ chưa hẳn là ý tưởng.
Bà Lê Diệp Kiều Trang khẳng định trong khởi nghiệp, người thích nghi tốt nhất với môi trường mới là người thành công chứ không phải người có ý tưởng hay nhất. “Ý tưởng thì dễ, còn làm được hay không mới khó. Nhưng làm được hay không sẽ do con người. Suy ra, con người vẫn là quan trọng nhất” - bà Trang diễn giải.
“Quy tụ được những cộng sự giỏi và giàu đam mê vào êkip làm việc của mình cũng là thuận lợi lớn giúp công việc kinh doanh suôn sẻ” - ông Phạm Anh Khoa nói. Ông Khoa cho rằng “con thuyền” khởi nghiệp muốn thành công phải là sự chung tay góp sức của người lãnh đạo lẫn những người đồng hành giàu nhiệt tâm và giỏi chuyên môn ở nhiều lĩnh vực.
Tìm kiếm bạn đồng hành như thế nào và làm sao lôi kéo họ? Theo ông Nhan Thế Luân, cộng sự đáng tin nhất chính là những người bạn học, là đồng nghiệp, người cùng chung nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm và dám nghĩ, dám làm với mình.
Bày tỏ khát khao khởi nghiệp
Chị Hương Thị Mỹ (29 tuổi, Q.Gò Vấp) đến với chương trình vì “muốn kinh doanh gì đó chứ lái xe hoài không có dư”. Hiện đang là nữ tài xế taxi của Hãng Vinasun, chị cho biết công việc lái xe taxi có lương trung bình 5 triệu đồng mỗi tháng. Chị đã nghĩ đến việc “làm gì đó” nên khi đọc báo Tuổi Trẻ thấy chuyên đề “Khởi nghiệp, những điều cần biết” - chị tìm đến ngay.
Còn Nguyễn Duy Ninh - học sinh lớp 11D Trường trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM, người nhỏ tuổi nhất tham dự chương trình - cho biết trong ba tháng hè vừa rồi đã gom sách báo cũ chở đi bán dạo để “tập kinh doanh cái gì đó”. Hiện Ninh đang điều hành một trang web riêng và tìm cách thu hút quảng cáo để có lợi nhuận. “Qua buổi hôm nay, mình học được rằng trong kinh doanh mọi thứ phải nên thật sự rõ ràng” - Ninh nói.
Nguồn: tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20120820/tien-khong-phai-la-tat-ca/507557.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét